the Gallerie by Phat
C.H.A ®

Contact Form

Name

Email

Message

Video

Kỉ niệm lần thứ 10 tham gia hiến máu nhân đạo



Bắt đầu tham gia hiến máu nhân đạo từ năm 2013, tôi đã kỉ niệm lần thứ 10 của mình vào ngày 20 tháng 2 năm 2021 tại Trung tâm hiến máu nhân đạo Thành phố Hồ Chí Minh, 106 Thiên Phước, Phường 9, Tân Bình. Với mục đích hiến máu cứu người đầy ý nghĩa, tôi vẫn đều đặn tham gia và giới thiệu những người thân của mình cùng hưởng ứng hoạt động tình nguyện này. Lượng máu trung bình mỗi lần hiến của tôi là 350ml, tùy vào tình hình thể trạng và sức khỏe của mình mà người hiến có thể lựa chọn lượng máu mình trao đi là 250, 350 hoặc 450ml.

Các chuyên gia cho biết, nếu mỗi lần hiến dưới 1/10 lượng máu trong cơ thể thì không có hại đến sức khỏe. Sau khi hiến máu, các chỉ số máu trong cơ thể sẽ có chút thay đổi, nhưng vẫn nằm trong giới hạn sinh lý bình thường, không hề gây ảnh hưởng đến các hoạt động thường ngày của cơ thể do lượng máu trữ trong gan, lách được đẩy vào tuần hoàn.


Với những người sức khỏe bình thường đủ điều kiện để hiến máu thì cần có chế độ ăn uống nghỉ ngơi phù hợp trước ngày hiến máu. Khoảng một tuần trước khi hiến máu cần ăn uống đủ chất, không nên bỏ bữa, không uống rượu bia, giữ tinh thần thoải mái, tránh stress, hạn chế thức khuya, đảm bảo giấc ngủ sâu và đủ giấc.

Những điều cần chú ý khi hiến máu

Buổi tối trước ngày đi hiến máu cần chú ý không ăn nhậu quá khuya, không uống rượu bia và các chất kích thích; không nên ăn các món ăn nhiều đường, nhiều dầu mỡ và ngủ đủ giấc 7- 8 tiếng/đêm.

Buổi sáng ngày đi hiến máu bạn nên ăn nhẹ trước khi đi, hạn chế thức ăn béo ngọt; chuẩn bị chứng minh thư nhân dân và giấy tờ tùy thân khác. Trước mỗi lần hiến máu, bạn sẽ được khám sức khỏe bắt buộc để đảm bảo rằng bạn có đủ điều kiện để tham gia hiến máu. Bạn sẽ được kiểm tra cân nặng, mạch, huyết áp, có thiếu máu hạy không.... Sau đó bạn sẽ được một bác sĩ thăm khám trực tiếp nhằm đảm bảo bạn không mắc các bệnh lý nội khoa nặng khác như suy tim, suy gan, suy thận, thiếu máu mãn tính, bệnh ác tính...

Như vậy mỗi lần hiến máu, bạn sẽ cơ hội được khám sức khỏe miễn phí, bên cạnh đó bác sĩ cũng sẽ giúp bạn phát hiện sớm một số bệnh lý tiềm ẩn nếu có như tăng huyết áp, bệnh tim mạch...

Trong thời gian lấy máu nếu thấy bất cứ biểu hiện như: chóng mặt, buồn nôn, vã mồ hôi, đau buốt ở vị trí kim tiêm thì cần báo ngay cho nhân viên y tế.

Ngay sau khi hiến máu bạn được đứng dậy và rời khỏi vị trí khi được sự đồng ý của nhân viên y tế. Nếu có biểu hiện chóng mặt buồn nôn nhẹ nên nằm nghỉ ngơi tại chỗ, có thể uống một chút nước ấm có pha đường hoặc uống trà gừng. Ấn nhẹ vào miếng bông bịt tại vị trí mũi kim lấy máu, đợi khi máu không chảy ra thì bỏ miếng bông đi, không nên bỏ miếng bông quá sớm sẽ gây chảy máu.

Nếu thấy chảy máu thì ngay lập tức ấn miếng bông xuống bịt chặt vị trí lấy máu, xin thêm miếng bông khô để thay, tuyệt đối không sử dụng bông ướt. Chỉ giữ nhẹ miếng bông và ấn xuống không nên day mạnh miếng bông dễ làm bầm tím quanh vị trí lấy máu. Nếu xuất hiện bầm tím thì không nên lo lắng, lấy đá chườm nhẹ trên vết bầm. Sau hai ngày vết bầm tím sẽ nhạt dần, chườm ấm tại vị trí này. Sau khoảng 1 tuần vết bầm tím sẽ hết.

Sau khi hiến máu bạn cần ăn uống và nghỉ ngơi để cơ thể hồi phục dần, không nên tham gia các môn thể thao đòi hỏi thể lực mạnh, các hoạt động vận động nhiều mất sức như: đá bóng, chạy bộ, leo núi; ăn uống đầy đủ và tăng cường bổ sung các thực phẩm tốt cho máu như: thịt bò, gan, trứng, sữa, quả bơ, măng cụt, cà rốt, cà chua,… Nếu cần thiết có thể sử dụng các sản phẩm chứa Sắt và acid folic, vitamin B12 rất tốt cho quá trình tạo máu. Nếu ăn uống và sinh hoạt nghỉ ngơi hợp lý, bạn có thể hiến máu lại sau 3 - 4 tháng.


Lợi ích sức khỏe khi tham gia hiến máu

Mẫu máu của bạn sẽ được xét nghiệm nhóm máu, các bệnh lây truyền qua đường máu như HIV, viêm gan B, viêm gan C, giang mai. Như vậy việc hiến máu giúp bạn biết mình nhóm máu gì và có mắc các bệnh truyền nhiễm thông thường hay không. Trong trường hợp phát hiện bạn có vấn đề về sức khỏe, nhân viên y tế sẽ liên hệ bạn qua thông tin bạn cung cấp trong thời gian từ 10 đến 15 ngày.

Ngoài ra, hiến máu có thể mang lại những lợi ích về sức khỏe như:

1. Giúp kích thích khả năng tạo máu của cơ thể.
Thành phần máu bao gồm tế bào máu và huyết tương chúng luôn được đổi mới hàng ngày. Mỗi tế bào máu có đời sống nhất định như hồng cầu là 120 ngày, tiểu cầu là 8-12 ngày. Mỗi ngày số lượng tế bào máu bị tiêu huỷ sinh lý do tới giới hạn của đời sống là khoảng 25-50 ml máu. Tủy xương là cơ quan tạo máu chính, nó sản sinh các tế bào máu mới tương đương với lượng máu bị hủy sinh lý. Khi máu ngoại vi thiếu hụt dưới tác động của cơ chế kích thích tạo máu, tủy xương sẽ tăng sinh gấp 7-8 lần bình thường để tạo ra hồng cầu và các tế bào máu mới. Sau thời gian hiến máu khoảng từ 3-4 tuần các thành phần máu được hồi phục gần như bình thường.

Do đó khi hiến máu việc thay đổi một số lượng tế bào máu già cỗi bằng số lượng tế bào máu mới khỏe mạnh có đời sống dài đảm bảo chức năng tốt hơn. Thực tế, chỉ có phụ nữ trong lứa tuổi sinh sản mới có quá trình mất máu sinh lý mỗi tháng do chu kỳ kinh nguyệt. Các đối tượng khác như nam giới, phụ nữ sau mãn kinh, các tế bào hồng cầu được thay mới một cách chậm chạp, khả năng ứng phó với sự mất máu sẽ kém đi nếu thiếu máu đột ngột xảy ra. Chính vì thế, đi hiến máu định kỳ là một dịp để nguồn máu trong huyết quản trở nên tươi mới hơn cũng như hệ tạo máu thường xuyên được trau dồi.
2. Cải thiện sức khỏe tim mạch.
Hiến máu thường xuyên có thể giúp bạn kiểm soát được hàm lượng sắt. Lượng sắt dư thừa hình thành trong cơ thể có thể gây tổn thương oxi hóa, đây là nguyên nhân chính gây tổn thương mô.

Vì vậy, hiến máu không chỉ giúp kiểm soát hàm lượng sắt trong cơ thể mà còn giảm đáng kể nguy cơ bệnh tim nói chung. Ngoài ra, nó cũng cải thiện sức khỏe tim bằng cách làm giảm nguy cơ lão hóa sớm, đột quỵ và đau tim.

3. Giảm nguy cơ bệnh gan và ung thư
Mặc dù chưa có nghiên cứu xác nhận rằng hiến máu làm giảm nguy cơ tổn thương và ung thư gan nhưng có vẻ như nó có tác dụng tích cực lên gan. Cơ chế của tác động này dựa trên chuyển hóa sắt. Vì dư thừa sắt trong cơ thể gây áp lực cho gan, gây ra rối loạn ở gan, hiến máu giúp ổn định lại hàm lượng sắt trong cơ thể, do vậy giảm nguy cơ tổn thương gan.

Ngoài ra, sắt dư thừa tích tụ trong gan gây oxy hóa mô gan, tổn thương cơ quan này, trong một số trường hợp có thể dẫn tới ung thư gan. Vì vậy, thường xuyên hiến máu làm giảm nguy cơ mắc ung thư gan.
4. Tạo cảm giác hài lòng.
Hiến máu nhân đạo, người hiến máu làm việc thiện san sẻ với cộng đồng, có ý thức đảm bảo an toàn cho người nhận, bản thân giữ gìn sức khỏe có lối sống lành mạnh để tiếp tục tham gia hiến máu trở lại. Hiến máu đem lại cho bạn cảm giác tuyệt vời vì nghĩ rằng bạn có thể cứu giúp tính mạng của ai đó.
Bạn có thể hiến máu nếu bạn:
Là người khỏe mạnh, nam tuổi từ 18 - 60 và nữ tuổi từ 18 - 55.
Huyết áp: huyết áp tối đa trong khoảng 110 mmHg - 140 mmHg
Huyết áp tối thiểu trong khoảng 70 mmHg - 100mg.
Không đang mắc bất cứ bệnh cấp tính (cảm cúm, viêm nhiễm) hoặc không dùng bất kỳ loại thuốc nào.
Mạch đều trong khoảng 60 -90 lần/phút.
Không mắc các bệnh lây truyền qua đường máu như HIV/AIDS, HBV, HCV, sốt rét, giang mai.
Tôi hi vọng rằng một số thông tin hữu ích sẽ giúp cho các bạn có thể hiểu hơn về hoạt động tình nguyện ý nghĩa này và mạnh dạn đăng kí tham gia cùng tôi nhé!
Powered by Blogger.