the Gallerie by Phat
C.H.A ®

Contact Form

Name

Email

Message

Video

Lược sử khách sạn thế giới (Phần cuối)

Sự bùng nổ thứ ba của ngành công nghiệp khách sạn

Sự bùng nổ thứ ba trong ngành khách sạn bắt đầu vào năm 1980, được đánh dấu bằng các hoạt động tiếp thị sáng tạo hơn và sự phát triển của các khách sạn ngày càng tập trung hơn vào một (hoặc một số) đối tượng khách hàng mục tiêu cụ thể.

Lê Minh Phát | Lược sử khách sạn thế giới (Phần cuối)
Khách sạn nghỉ dưỡng trượt tuyết
Xu hướng này đã thúc đẩy việc xây dựng các khách sạn gần sân bay, khách sạn phục vụ hội nghị, khách sạn chăm sóc sức khỏe (nguồn: "health hotel"), khách sạn nghỉ dưỡng trượt tuyết (nguồn: "ski holiday hotel"), làng nghỉ mát (nguồn: "holiday village") và khách sạn trên bến du thuyền. Những Hệ thống Quản lý Tài sản (nguồn: "Property Management System") đầu tiên như Hogatex (ra mắt năm 1980), Fidelio (ra mắt năm 1995)... xuất hiện trên thị trường khách sạn.
Hệ thống Quản lý Tài sản (PMS) là một ứng dụng phần mềm dùng cho hoạt động vận hành của các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú và bất động sản cho thuê, nhà ở thương mại. PMS cũng được sử dụng trong các ngành sản xuất, bộ máy chính quyền địa phương,... Hệ thống Quản lý Tài sản đôi khi được gọi là "Hệ thống Quản lý Khách sạn" hoặc "Hệ thống Điều hành Khách sạn".

PMS cung cấp một hệ thống máy tính tập trung để tổ chức, lên lịch và thực hiện các chức năng và giao dịch hàng ngày liên quan đến các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ lưu trú. Hoạt động lưu trữ hồ sơ máy tính và PMS đã làm tăng hiệu quả của ngành khách sạn một cách đáng kể chỉ đơn giản bằng cách cho phép cập nhật, tham khảo hồ sơ tập trung từ nhiều máy tính và thiết bị. Các giải pháp PMS đã được tùy chỉnh để phù hợp với các nhu cầu của ngành khách sạn để tăng cường tính linh hoạt và sự thuận tiện trong quá trình sử dụng.

Các chức năng do PMS quản lý bao gồm quá trình tự động hóa của nhiều tác vụ phổ biến, bao gồm: Đặt chỗ; nhận phòng và trả phòng; tích hợp hệ thống điện thoại; tích hợp điểm bán hàng (POS); tổ chức sự kiện; chi phí ăn uống; quản lý cung ứng hàng tồn kho của khách sạn; báo cáo các chỉ số hiệu suất chính (KPI); kiểm soát an ninh và khóa phòng;...

Vào năm 1987, một công ty Nhật Bản đã mua lại Cung điện Çırağan (nguồn: "Çırağan Palace") tại thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kì. Công trình từng là nơi lưu trú của các vị quốc vương danh giá và đã bị thiêu rụi vào ngày 19/1/1910. Công ty này đã tiến hành khôi phục lại cung điện thành khách sạn và xây dựng thêm một tổ hợp khách sạn hiện đại khác bên trong khu vườn của cung điện. Năm 1990, công trình khách sạn hiện đại được mở cửa và khách sạn xây trên nền Cung điện Çırağan được mở cửa vào 2 năm sau đó. Kết quả là cụm khách sạn mới cũng mang vẻ danh giá không kém gì so với Cung điện Çırağan. Khách sạn được quản lý bởi chuỗi Kempinski và có 322 phòng.
Kempinski Hotels S.A., thường được gọi là Kempinski, là một công ty quản lý khách sạn hạng sang có trụ sở chính tại Geneva, Thụy Sĩ. Được thành lập tại Berlin vào năm 1897 với tên gọi Hotelbetriebs-Aktiengesellschaft, tập đoàn hiện nay đang điều hành khoảng 78 khách sạn 5 sao và các khu căn hộ tại 34 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Lê Minh Phát | Lược sử khách sạn thế giới (Phần cuối)
Çırağan Palace Kempinski
Những Hệ thống Quản lý Khách sạn có tính năng quản trị (nguồn: "Administrative Hotel Management System") đầu tiên cung cấp cho khách sạn sự độc lập cao hơn với nguồn nhân lực hiện có đã xuất hiện trên thị trường. Ngành công nghiệp khách sạn ngày càng mang tính cạnh tranh hơn. Khách đi công tác và những người đã nghỉ hưu dần trở thành những đối tượng khách hàng mục tiêu quan trọng.

Vào những năm 80 thế kỉ XX, vùng Viễn Đông cũng bắt đầu quá trình chuẩn bị để chào đón cả các doanh nhân và khách du lịch, những người bắt đầu khám phá các quốc gia ở hướng mặt trời mọc, chẳng hạn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan và Nhật Bản. Các chuỗi quốc tế (phần lớn là của Mỹ) đã chuẩn bị các kế hoạch mở rộng sang châu Âu, Trung Đông và Viễn Đông, chủ yếu nhằm vào những người thường tham gia các đại hội và các doanh nhân.


Những năm 90 thế kỉ XX: Công nghệ bắt đầu tạo ra sự ảnh hưởng

Những năm đầu của giai đoạn này được gắn liền bởi sự suy thoái của toàn ngành kinh doanh khách sạn, nguyên nhân được bắt nguồn bởi việc cắt giảm ngân sách du lịch của các công ty đa quốc gia và cuộc khủng hoảng ngày càng gia tăng ở Vùng Vịnh.

Chiến tranh Vùng Vịnh đã tạo ra sự bất an lớn cho cả các cá nhân và doanh nghiệp. Năm 1991 được xem là năm đen tối của ngành khách sạn. Nó buộc những người kinh doanh khách sạn phải sáng tạo hơn trong việc tìm ra cách thu hút du khách (các chương trình đặc biệt, ưu đãi cho "khách du lịch thường xuyên" (nguồn: "frequent travellers"), áp dụng hệ thống đặt phòng hiệu suất cao) và nhờ đó đã thoát khỏi khủng hoảng với mức thiệt hại tối thiểu.

Lần đầu tiên, vấn đề môi trường và bảo tồn năng lượng đóng một vai trò quan trọng trong các hoạt động tiếp thị của nhiều chuỗi (phần lớn nhờ vào "phong trào xanh") và thậm chí còn giúp chiếm được lòng trung thành của nhiều khách hàng, đồng thời bảo vệ được tài sản kinh doanh của các khách sạn.

Hệ thống đặt phòng trở nên hiệu quả hơn và cung cấp cho chủ khách sạn một khía cạnh mới trong việc tạo ra sự trung thành của khách hàng, đó là cơ sở dữ liệu. Các bản ghi chép về lịch sử cá nhân của mỗi khách đã giúp tạo ra các chương trình tiếp thị mang tính cá nhân hóa và cho phép các khách sạn đáp ứng nhu cầu cá nhân của khách ngay từ khi họ đến.

"Hotel Adlon Berlin" là một huyền thoại được tái sinh. Từ khi mở cửa vào năm 24/7/1907, cho đến khi bị phá hủy vào ngày 2/5/1945, nơi đây là một biểu tượng của Berlin, một nơi tổ chức các sự kiện xa hoa cho hoàng gia, những người đứng đầu chính phủ, các ngôi sao sân khấu và điện ảnh, cũng như những vĩ nhân của thế giới văn học và khoa học.  

Lê Minh Phát | Lược sử khách sạn thế giới (Phần cuối)
Hotel Adlon Berlin
Dưới sự chỉ đạo của Tập đoàn Kempinski với tư cách là công ty điều hành, "Hotel Adlon Berlin" đã được xây dựng lại trên cùng vị trí với khách sạn ban đầu, ngay góc giao nhau giữa đường Unter den Linden và đường Pariser Platz, đối diện với Cổng Brandenburg (là một trong số những công trình quan trọng nhất của Berlin, được xây dựng từ thế kỉ XVIII, mang tính biểu tượng và được xếp ngang hàng với Khải Hoàn Môn của Pháp). Khách sạn mới đã tổ chức lễ ra mắt chính thức vào ngày 23 tháng 8 năm 1997 với sự hiện diện của Tổng thống Cộng hòa Liên bang Đức Roman Herzog.

Bên ngoài, tuy chỉ là một bản tái hiện của kiến trúc ban đầu, nhưng bên trong nó là bằng chứng cho những gì các nhà điều hành khách sạn thông minh (trong trường hợp này là tập đoàn Kempinski) có thể đạt được với khoản đầu tư 260 triệu đô-la. 337 phòng nghỉ với nhiều hạng phòng của khách sạn là những gì sang trọng nhất. Nội thất được thiết kế bởi công ty Ezra Attia của Anh và Lars Malmqvist của Thụy Điển, khách sạn được trang trí bằng đá cẩm thạch, sa thạch, kính màu, vàng lá, vữa stucco (được tạo ra bằng cách kết hợp vôi, cát và nước lại với nhau, tạo ra hỗn hợp vữa đặc, sánh đủ mềm dẻo để trét lên tường và đủ cứng để bức tường đó bền với thời gian), gỗ anh đào và rèm vải bằng gấm hoa. Khách sạn sau được đổi tên thành "Hotel Adlon Kempinski", được trang bị công nghệ tiên tiến nhất liên quan đến Hệ thống quản lý phòng nghỉ (nguồn: "Room Management System") kết nối với Hệ thống quản lý khách sạn (nguồn: "Property Management System").


Kể từ năm 1992, các chuỗi khách sạn quốc tế lớn nhất đã cạnh tranh với nhau thông qua việc ứng dụng những thành quả khoa học công nghệ ngoài trí tưởng tượng, liên quan đến quá trình quan trọng của kế hoạch cải tạo các khách sạn của họ trên toàn thế giới. Công nghệ đã bắt đầu chiếm vị trí chiến lược trong việc quản trị khách sạn (giúp đơn giản hóa thủ tục nhận và trả phòng, hệ thống đặt phòng toàn cầu, quản lý tiếp thị,...). 

Năm 1995, Hệ thống Quản lý Phòng Khách sạn (nguồn: "Hotel Room Management System") đầu tiên được sử dụng ở toàn châu Âu. Nó được liên kết với Hệ thống Quản lý Tài sạn (nguồn: "Property Management System") thịnh hành nhất để làm cho công việc ở bộ phận lễ tân hiệu quả hơn và thân thiện với khách lưu trú nhiều hơn.

Tại các Diễn đàn Công nghệ Quốc tế, (nguồn: "International Technology Forum") các chuyên gia trong ngành kinh doanh khách sạn đã nhất trí việc nhấn mạnh tác động của khoa học công nghệ đối với hoạt động kinh doanh khách sạn.

Các chuỗi khách sạn đã mở rộng việc tìm kiếm các đối thủ trong ngành để thành lập nên một liên minh lớn hơn, ví dụ: chuỗi Holiday Inn, Intercontinental và Crowne Plaza đã hợp nhất để tạo thành Chuỗi khách sạn Six Continents; Marriot thâu tóm chuỗi Renaissance và Ramada International; Sol Melia mở một dòng khách sạn boutique mới, tập đoàn Accor kí kết một số hợp đồng liên doanh ở miền Đông và Viễn Đông,... Forte mua lại Méridien để củng cố vị thế toàn cầu. Tập đoàn Starwoods (Sheraton) đã thâu tóm chuỗi Ciga của Ý và Westin.
InterContinental Hotels Group PLC (IHG) là tập đoàn khách sạn đa quốc gia có trụ sở tại Denham, Vương quốc Anh. Đây là công ty khách sạn lớn nhất thế giới tính theo số lượng phòng đang quản lý.

Tiền thân của tập đoàn này là hãng bia William Bass được thành lập năm 1777 tại Anh. Bass là một trong những hãng sản xuất bia rượu lớn nhất tại anh từ thế kỷ 18 đến thế kỷ 20. Năm 1988, Bass tiến hành mua lại Holiday Inns International và bắt đầu bước chân vào ngành công nghiệp khách sạn. Sau khi giấy phép sản xuất bia của Bass hết hạn vào năm 1989, hãng này giảm dần hoạt động sản xuất bia rượu và phát triển mảng kinh doanh khách sạn.

Những năm 1990s, Bass liên tục thâu tóm các thương hiệu khách sạn như InterContinental, Southern Pacific Corporation, Bristol Hotels & Resort,… đồng thời tung ra các thương hiệu riêng như Crowne Plaza, Staybridge nhằm tăng quy mô. Năm 2000, tập đoàn này bán nhãn hiệu Bass Brewers cho hãng sản xuất bia của Bỉ với giá 2,3 tỷ Bảng và chuyển tên công ty thành Six Continents PLC.

Năm 2002, Six Continents PLC tiến hành chia tách việc quản lý mảng kinh doanh khách sạn và đồ uống thành 2 công ty riêng biệt. Quá trình này hoàn tất vào 15/04/2003, IHG được thành lập chuyên về kinh doanh khách sạn, niêm yêt cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Anh và Mỹ.

Năm 2012, cách khách sạn mang thương hiệu do tập đoàn này sở hữu có 675.982 phòng, quản lý 4.600 khách sạn trên thế giới. 

Hiện IHG sở hữu một số thương hiệu khách sạn nổi tiếng trên thế giới gồm: Intercontinental Hotels & Resorts, Crowne Plaza, Hotel Indigo, Holiday Inn, Holiday Inn Express, Staybridge, Candlewood, EVEN Hotels, Hualuxe Hotels & Resorts,...
Lê Minh Phát | Lược sử khách sạn thế giới (Phần cuối)
Một số thương hiệu khách sạn nổi tiếng trên thế giới thuộc IHG
Các khu vực mở rộng chính của ngành khách sạn trong năm 1994 vẫn là Châu Á (đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ), Trung Đông (tiêu biểu là Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất và Ai Cập) và Châu Mỹ La-tinh.

Ở châu Âu, các doanh nghiệp khách sạn ở những quốc gia phía đông (như Nga, Croatia, Slovakia,...) tiến hành cải tạo lại các cung điện đổ nát, chuẩn bị cho sự kiện thế giới chuẩn bị bước qua thế kỉ XX và bước vào thế kỉ XXI. Các quốc gia và vùng lãnh thở trên toàn cầu đã ráo riết phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng cần thiết để chào đón hàng triệu du khách cho lễ kỷ niệm sự kiện này.

Khách sạn 3 sao Millennium đã áp dụng Hệ thống quản lý phòng trực tuyến cao cấp nhất. Khách sạn này tọa lạc tại vị trí tốt nhất ở thị trấn Opatija, bên bờ Địa Trung Hải. Về mặt danh tiếng, Opatija ở quốc gia Croatia tương đương với thị trấn St. Moritz ở Thụy Sĩ.

Các chuỗi khách sạn lớn đã lên kế hoạch phát triển ở hầu hết khu vực ở Châu Âu. Các kế hoạch này chủ yếu liên quan đến việc cải tạo nhiều khách sạn danh tiếng ở cả các nước Tây Âu và Đông Âu. Dần dần, các thủ đô lớn của châu Âu đã xuất hiện các khách sạn 3, 4 và 5 sao tiêu chuẩn, cung cấp các dịch vụ chất lượng; kiến ​​trúc sáng tạo, phong cách; sự quyến rũ; và các thiết kế nội thất độc đáo (như những khách sạn boutique trong thành phố). Các khách sạn chuyên biệt cung cấp các chương trình chăm sóc sức khỏe bao gồm các trung tâm chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp, các dịch vụ và phương pháp điều trị được cá nhân hóa, các chương trình chống căng thẳng, phục hồi, tái tạo,...


"Jumeirah Beach Hotels" 

Vào năm 1995, một trong những khu phức hợp du lịch đầy tham vọng và danh giá nhất trong khu vực đã bắt đầu xây dựng ở Dubai, đó là "Jumeirah Beach Hotels" (bao gồm khách sạn "Jumeirah Beach", "Burj Al Arab",...). Khu phức hợp gồm những khách sạn có khả năng đáp ứng các nhu cầu từ khách du lịch có mức thu nhập trung bình, đến những doanh nhân và những người có nhu cầu hưởng thụ các dịch vụ đẳng cấp.

Lê Minh Phát | Lược sử khách sạn thế giới (Phần cuối)
Jumeirah Beach Hotel
Các khách sạn tiêu chuẩn 6 và 7 sao được đầu tư một cách bài bản và hoàn hảo bởi sự sang trọng của các phòng ngủ và các tiện nghi mà khách sạn cung cấp; chất lượng dịch vụ hoàn hảo; khách sạn trang bị các thiết bị ứng dụng công nghệ hiện đại, cao cấp, cũng như vẻ đẹp tuyệt vời của khung cảnh xung quanh và môi trường nghỉ dưỡng đạt chất lượng cao.

Năm 2004, một Tiểu Vương quốc Ả-rập khác là Abu Dhabi đã chào đón các đại biểu của các Quốc gia thuộc Hội đồng Vùng Vịnh (nguồn: "the Gulf Council Countries") tại khách sạn Conference Palace vừa được xây mới. Cấu trúc cao cấp này đã được công nhận là nơi "cung cấp các dịch vụ nổi bật nhất với định nghĩa 9 sao mang đầy thách thức".

Hết.

3. Hotels of Greece.
4. IHG.
5. Historic hotels of the world - Then and Now.
Powered by Blogger.